NHÀ MỚI THIỆN NGUYỆN – CHUNG TAY XÂY ƯỚC MƠ CHO TRẺ VÙNG CAO

Những ngày đầu tháng 3/2018, Nhà Mới thiện nguyện có dịp đến Trường Mầm Non Thôn 7 Khe Mạng xã Phong Dụ Thượng – huyện Văn Yên – Tỉnh Yên Bái. Ngôi trường nằm trên đỉnh một quả đồi, quanh năm gió thốc, thật sự là một thử thách khi từ cơ sở vật chất đến điều kiện sinh hoạt đều sơ sài, thiếu thốn một cách khó tin.

Đường vào Trường Mầm Non Thôn 7 Khe Mạng xã Phong Dụ Thượng phải vượt qua hai quả núi với những con đường ngoằn ngoèo quanh co, dốc lên dựng đứng lúc thì lại xuôi thăm thẳm với những đá hộc gồ ghề, lởm chởm…Thế rồi, vượt qua bao nhiêu gian khó Nhà mới đã đến với các em bằng lòng nhiệt huyết, sự náo nức len lói niềm vui và hạnh phúc được tiếp thêm ước mơ tới trường cho trẻ em vùng cao, chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn, góp một phần công sức bé nhỏ đem lại nụ cười, niềm vui cho trẻ em.

Bản làng thôn 7 Khe Mạng xã Phong Dụ Thượng

Đến bản làng thôn 7 Khe Mạng, trước mắt chúng tôi là sự ngỡ ngàng đến lặng người, lòng chúng tôi buồn se thắt, các em nhỏ phải học ở lớp học tạm bợ, thấp lè tè, hở huếch hở hoác, phải học nhờ nhà văn hóa thôn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, cũng như thiết bị phục vụ việc học tập… Lớp học sơ sài được dựng bằng gỗ, tre nứa, không có tường che chắn, mỗi khi thời tiết thay đổi, giáo viên và học sinh đều phải chịu cảnh mùa mưa thì ẩm ướt còn mùa khô thì lầm bụi, mùa đông gió núi thổi hun hút, cái lạnh buốt cắt da cắt thịt…

Mùa mưa,đường đến trường của giáo viên ngập trong nước

Tiếp chúng tôi, cô Hoàng Thị Trưởng – hiệu trưởng trường mầm non xã Phong Dụ Thượng,  cho biết: Điểm trường chính nằm ở trung tâm xã đã được xây dựng mới với đầy đủ các thiết bị phục vụ học tập cho trẻ, nhưng do địa bàn chủ yếu là rừng núi, đường đi hiểm trở, khó khăn, để không có điểm bản nào trắng trường học, nơi nào có dân cư sinh sống là các cô giáo vào bản mở lớp dạy học mang cái chữ đến cho con trẻ. Đến nay, có 7 điểm trường trong các bản của xã đều có lớp mầm non, tiểu học và được dựng tạm bằng gỗ, tre nứa hoặc học nhờ nhà văn hóa thôn. Đó là điều đáng mừng, nhưng nhìn những lớp học tạm,thiếu phòng, thiếu vật chất thì chúng tôi giật mình trước các lớp học ngày nay chả hơn gì các lớp học cách đây 40 năm cũng nằm trên chính mảnh đất này.

Điểm trường mầm non thôn 7 Khe Mạng

Cô cho biết thêm, điểm trường mầm non thôn 7 Khe Mạng mới chỉ là điểm trường gần trung tâm xã nhất, đường đi vào vẫn có thể di chuyển bằng xe máy, còn 6 điểm trường còn lại còn nhiều khó khăn thiếu thốn, điêu tàn hơn nhiều và để đi được vào sẽ phải đi bộ. Trường mầm non thôn 7 Khe Mạng có 1 phòng học với 2 lớp mẫu giáo trong tổng số 50 trẻ em, phòng học còn lại trẻ phải học nhờ nhà văn hóa thôn. Vì vậy, trẻ em sẽ phải nghỉ học thường xuyên khi thôn bản có việc…Chúng tôi, chỉ mong sao có được ngôi trường được xây dựng bằng tường kiên cố, để trẻ có được điều kiện học tập tốt hơn, thoát khỏi cảnh học nhờ, học tạm…

Mùa nước ngập giáo viên, học sinh qua sông trên chiếc mảng do người dân tự chế

Thật sự chỉ khi đến vùng xâu vùng xa, chúng  tôi mới phần nào thấu hiểu và càng cảm thông hơn những vất vả, thiếu thốn, thiệt thòi của trẻ em và người dân nơi đây.

Tạm xa Phong Dụ Thượng, khi màn đêm đã buông, trên đường trở lại thành phố Hà Nội, Nhà Mới chúng tôi ai nấy cũng thấy lòng mình nặng trĩu trước những khó khăn vất vả. Điều này càng thêm thúc giục chúng tôi cùng “Chung một vòng tay” cùng có chung một tấm lòng thiện nguyện, chung tay, góp sức cùng cộng đồng xây dựng một cuộc sống ngày một thêm tốt đẹp hơn cho các em.

Vì vậy, Nhà Mới thiện nguyện “Chung một vòng tay” kêu gọi bạn bè chung tay sẻ chia những khó khăn, vất vả đó với trẻ em, bà con dân tộc thiểu số nơi đây nói riêng và những vùng xâu vùng xa nói chung.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Contact Me on Zalo
0931416699